THƯ GỬI ÔNG SINNETT

Thư Gửi Ông Sinnett (tt)

 

 

Sự vô minh tạo nên thần thánh và óc khôn ngoan lợi dụng cơ hội. Hãy nhìn Ấn Độ và thế giới Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, Do Thái giáo ... Tính giả hình của giáo sĩ đã làm cho những thần thánh này thành ghê gớm đối với con người; ấy là tôn giáo đã làm họ thành kẻ ích kỷ, có thành kiến; kẻ cuồng tín ghét bỏ hết mọi ai khác ở ngoài giáo phái của họ mà không nhờ vậy làm họ thành tốt đẹp hơn hay đạo đức hơn.
Chính niềm tin vào Thượng Đế và thần thánh đã làm hai phần ba nhân loại thành nô lệ cho nhóm nhỏ người, những kẻ mê hoặc họ với chiêu bài giả dối là cứu chuộc họ. Không phải là con người luôn sẵn lòng phạm bất cứ tội ác nào nếu được cho biết là Thượng Đế hay thần thánh đòi hỏi có tội ác đó, không phải là con người tự ý là nạn nhân của một Thượng Đế huyễn hoặc, là nô lệ hèn hạ cho các giáo sĩ mưu mô sao ? Người dân quê Ái Nhĩ Lan, Ý và Slovanian sẽ chịu chết đói, chịu cho gia đình họ chết đói, trần truồng, để linh mục và giáo hoàng của họ được ăn, được mặc. Hai ngàn năm qua Ấn Độ rên siết dưới gánh nặng giai cấp, chỉ người thuộc giai cấp Brahmin là hưởng thụ sự phì nhiêu của đất đai, và ngày nay tín đồ của đức Chúa và Mahomet chém giết nhau, nhân danh các ngài và cho vinh quang to lớn hơn của các huyền thoại của họ.  Nên nhớ chỉ khi nào  - nhân danh Chân lý, đạo đức và bác ái - đa số nhân loại phá đi những bàn thờ tà thần, thì khổ nàn của nhân loại mới giảm mà thôi.
Nếu có lời phản đối là chúng tôi cũng có đền thờ, cũng có giáo sĩ và các lama của chúng tôi cũng sống nhờ vào lòng bố thí … thì hãy để họ biết rằng những gì nêu ra ở trên có điểm chung với giới tương tự của tây phương chỉ về danh xưng mà thôi. Nghĩa là trong đền thờ của chúng tôi không có thờ phượng thần thánh, mà chỉ có cái ký ức được trân trọng giữ gìn về con người thánh thiện nhất và cao cả nhất từng sống trên đời. Nếu các lama của chúng tôi đi khất thực để hàng Phật tử nuôi ăn, nhằm tuân theo hàng Tỳ Kheo - Bhikkhu mà tôn sư của chúng tôi đã lập ra, thì thường khi từ  5 đến 25.000 Phật tử được giới tăng già nuôi ăn và săn sóc, còn các tu viện lama chăm lo cho người nghèo, người bệnh và người bị tai ương. Các lama của chúng tôi nhận lương thực, không hề nhận tiền và trong những chùa đó giảng dạy và tạo ấn tượng cho con người về nguồn gốc của sự ác. Ở đó họ được dạy về tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, cho họ giải pháp về vấn đề nguồn gốc và sự diệt khổ.
Xin đọc kinh Mahavagga và cố gắng hiểu, không phải với cái trí tây phương đầy thành kiến, mà với tinh thần của trực giác và chân lý mà đấng Giác Ngộ đã nói trong bộ nhất kinh Khandhaka. Tôi xin dịch cho bạn.
– Vào lúc đức Phật tới Uruvela trên bờ sông Neranjara, khi ngài nghỉ chân dưới cội bồ đề sau khi đã thành Sambuddha, tới cuối ngày thứ bẩy sau khi đã dụng trí suy gẫm về chuỗi nhân duyên, ngài nói như vầy: Từ vô minh sinh ra samkhara (vòng luân hồi) thuộc ba loại, sinh ra từ thân, khẩu, ý. Từ samkhara sinh ra thức, từ thức sinh ra danh và sắc, từ đây sinh ra sáu cõi (cho lục căn, căn thứ bẩy chỉ có nơi bậc giác ngộ); từ những điều này sinh ra cảm; từ đây sinh ra dục, từ dục sinh ra ái, hiện hữu, sinh, lão và tử, sầu, bi, khổ ... Cũng nhờ diệt vô minh mà samkhara được tiêu diệt, và thức, danh và sắc, sáu cõi, dục, ái, hiện hữu, sinh, lão và tử, sầu, bi, khổ … được phá tan. Ấy là việc chấm dứt trọn khổ nàn.
Hãy biết là đấng giác ngộ giảng như vầy.
– Khi bản chất thật của vạn vật thành rõ ràng cho thầy Bhikshu đang tham thiền, khi ấy mọi hoài nghi của thầy tan biến vì thầy đã học được bản chất ấy là gì, và điều gì sinh ra nó. Mọi điều ác do vô minh mà ra. Việc chấm dứt khổ nàn do hiểu biết mà có, và Phạm thiên Brahmana tham thiền xua tan quỉ dữ Mara như vầng thái dương chiếu sáng bầu trời.
Tham thiền ở đây có nghĩa những tính chất siêu nhân (mà không phải siêu nhiên) hay quả vị La Hán, với những quyền năng tinh thần cao tột nhất của nó.

Thư 89. Nhận tháng 9 - 1882.
Đây là thư của Chân sư M. muốn nhờ ông Sinnett giúp một việc, có liên hệ đến chuyện ông Hume ghi trong thư 81, 82 xin bạn đọc xem lại. Tóm tắt thì thư ông Hume phê bình Chân sư bị đệ tử các ngài phản đối, HPB gửi ông điện tín báo cho biết sự phản đối này và ông đáp lại như sau.
– … Nếu các vị Huynh Trưởng hiểu quá ít sự việc, và để cho không những chỉ có bà mà tất cả Chela của các ngài hiểu lầm trọn câu chuyện về ý định, tinh thần và ý thực tế của sự kiện, làm họ phản đối điều mà lẽ ra họ phải cám ơn  thì tôi nghĩ sự việc thật vô vọng và tôi bỏ cuộc … quyền năng to tát và đức hạnh lớn lao của các Huynh Trưởng sẽ không ích gì cho Hội nếu các ngài, những Thuyền Trưởng, thiếu hiểu biết quá đỗi, như chuyện này bộc lộ, về việc lèo lái trên biển của đời trần…
Thư này cho thấy khi bậc Chân sư nổi giận (nếu ngài có nổi giận !) và thấy cần trách cứ thì tỏ ý ra sao. Chân sư M. viết.
– Tôi muốn xin bạn, bạn Sinnett thân mến, một ân huệ. Bởi ngài KH quá hiền từ đức hạnh như bậc La Hán, không ngăn chặn bàn tay dù gặp thất bại cũng không nản mà vẫn cứ muốn uốn nắn sự việc theo ý mình (ý nói ông Hume), điều tôi chỉ có thể làm là xuất hiện lần nữa để chấm dứt hành động có cơ thành chuyện đơn điệu chán ngắt, dù chúng tôi đã quen nhẫn nại.
Tôi không thể theo lời khuyên của bạn là viết cho ông bằng bút mầu đỏ chói vì nó sẽ chỉ mở cánh cửa mới cho thư qua lại vô tận, điều hân hạnh mà tôi xin từ khước. Nhưng thay vào đó tôi viết cho bạn, và gửi bạn đọc bức điện tín có trả lời ở mặt sau để xem xét. Ông muốn nói gì vậy ? Có thể ông không có lòng tôn kính, cũng như không ai đòi hay quan tâm đến việc ấy ! Nhưng tôi tưởng đầu của ông, to rộng đủ để chứa bất cứ chuyện chi, hẳn phải có một góc trong đó cho chút lương tri. Lương tri ấy sẽ cho ông hay là hoặc chúng tôi là điều mà chúng tôi nói mình là, hoặc là không.
Nếu là trường hợp đầu, cho dù lời tán dương quyền năng của chúng tôi được phóng đại đi nữa, nếu sự hiểu biết và tiên kiến của chúng tôi không hơn được của ông, thì chúng tôi không hơn gì kẻ bịp bợm và mạo danh và ông chia tay với chúng tôi sớm chừng nào tốt chừng ấy. Nhưng nếu chúng tôi có phần nào là điều mà chúng tôi nói mình là, thì ông xử sự như con lừa dại. Ông cần nhớ rằng chúng tôi không phải là các tiểu vương Ấn Độ cần và bắt buộc phải chấp nhận cố vấn chính trị, và cô vú cột dây dẫn chúng tôi đi. Rằng Hội được thành lập, tiến bước và sẽ phát triển dù có hay không có ông - ông nên tự xét lại với điều sau trong hai điều này.
Cho tới nay tôi thấy sự giúp đỡ mà ông nhét cho chúng tôi, giống như cung cách tên cướp Tây Ban Nha, một tay đưa thanh kiếm bảo vệ lữ khách, và tay kia chèn cổ họ, rất hữu ích cho Hội, nhưng sao đi nữa nó không ích gì cho một vị sáng lập, người mà ông làm gần chết năm ngoái ở Simla và nay bị ông quấy nhiễu, lẵng nhẵng gây bực bội làm sức khỏe bà bị suy giảm.
Vì vậy tôi mong bạn làm cho ông hiểu rằng tất cả những gì mà chúng tôi ‘sẽ cám ơn’ là ông nên lo chuyện chi bộ Eclectic của ông, vả để yên cho Hội chánh lo chuyện của nó. Lời khuyên và sự giúp đỡ cho chủ biên tờ Theosophist (là HPB) chắc chắn rất thuận lợi cho bà, và bà cảm thấy rất biết ơn, sau khi trừ đi phần lớn lòng biết ơn của bà đối với bạn. Nhưng chúng tôi xin nói rằng tới mức nào đó, phải có giới hạn giữa người chủ biên và chúng tôi; vì chúng tôi không phải là nhóm bộ ba người Tây Tạng như ông tin là vậy.
Thế thì dù ông tin chúng tôi là gì đi nữa, bởi mỗi người có quyền xử sự là chủ trong nhà của mình, chúng tôi có quyền nói rằng chúng tôi rành rẽ chuyện của mình nhất, và xin phép được từ chối nhận ông làm thuyền trưởng lèo lái con tầu TTH, cho dù ’trên biển của đời trần’ như ông giả dụ trong thư ở trên. Chúng tôi đã cho phép ông, với cớ hay lắm là để cứu vãn tình trạng của hội viên người Anh, xả lòng bất bình đối với chúng tôi trên cơ quan của Hội (là báo Theosophist) và mô tả chúng tôi bằng lời chê bai, ông còn muốn gì hơn nữa ?
Như tôi đã ra lệnh HPB gửi điện tín cho ông - không phải chỉ có ông là nhà hàng hải biết khéo léo xoay sở trong đời, ông tìm cách tránh né sóng tây phương, còn chúng tôi điều khiển chiếc xuồng của mình ra xa những bãi cát ngầm đông phương. Phải ông muốn nói rằng thêm vào đó, ông ra lệnh từ Vị Chohan (đức Văn Minh) trở xuống D.Khool (đức D.K.) tới hàng đệ tử thấp hơn nữa, điều gì chúng tôi sẽ làm hay không được làm ư ? Thánh thần thiên địa ôi ! Có phải là sau bao nhiêu thế kỷ sống độc lập nay chúng tôi phải đặt mình dưới một ảnh hưởng ngoại lai, thành con rối trong tay tiểu vương Simla (chỉ ông Hume) ?
Dù ông bực bội tôi xin bạn cho ông biết là tôi có nói với bạn, và xin bạn cho ông hay lời cuối của tôi: nếu ông không bỏ hết mọi việc, và bỏ mãi mãi, tôi sẽ không để cho ông đem sự khôn ngoan của mình can thiệp giữa sự vô minh của chúng tôi và Hội chánh. Cũng như ông phải ngưng lời chê trách người mà không có trách nhiệm về bất cứ điều chi chúng tôi nói hay làm, người phụ nữ quá đau ốm mà như năm 1877 tôi phải mang bà về cứu, khi bà rất cần ở nơi bà đang ngụ là trụ sở Hội, vì e ngại là bà sẽ bị suy sụp hoàn toàn. Và tình trạng này gần đây của bà là vì ông sinh ra, do lo lắng không ngừng về Hội, và phần nào nếu không phải là hoàn toàn do hành vi của ông ở Simla, tin lời tôi đi.
Trọn tình trạng và tương lai của chi bộ Eclectic tùy thuộc vào đức K.H. nếu bạn không giúp ngài. Nếu dù tôi khuyên bảo và có sự không vui rõ ràng của ngài Chohan (đức Văn Minh), đức KH vẫn làm mình bị cười chê khi hy sinh cho một người gây chuyện xấu cho Hội về một mặt, thì đó là chuyện của ngài, chỉ có điều là tôi không dính dáng chi với nó.
Tôi vẫn mãi mãi là bạn chân thành của bạn dù có ngày bạn chống lại tôi… Lời mong ước chân thành của tôi, thân hữu của bạn, là đức Chohan giữ gìn cho bạn và thân quyến tránh được họa đang tới.

Thư 90. Nhận tháng 10 - 1882
Ta không biết vì sao có thư này vì ông Sinnett không ghi chú gì, nên chỉ có thể đoán thư gửi sau khi ông Hume nhận thư của Chân sư nhận xét về bài “Preliminay Chapter on God” (thư 88), ông đáp lại nêu ra vài vấn đề và thư này trả lời. Thư dài, bàn nhiều về triết lý siêu hình có lẽ hợp cho ông Hume và số nhỏ người, còn đa số sẽ làm ngơ nên ta không dịch hết thư mà chỉ trích ra phần nào đáng chú ý. Bạn đọc nào không mặn mà về triết lý siêu hình có thể bỏ qua thư này và đọc thư kế, còn ai muốn học triết lý do chính bậc hiểu biết giảng dạy thì sẽ có được nhiều điểm lý thú. Thư viết.
… Chúng tôi tuyên bố và khẳng định rằng chuyển động - cái chuyển động mãi mãi thấy chung không bao giờ ngưng nghỉ, chậm lại hay gia tăng tốc độ của nó, ngay cả giữa hai sự nghỉ ngơi pralaya, hay còn gọi ‘đêm của Brahma’, mà vẫn liên tục như máy xay được ấn nút xay cho dù có gì để xay hay không (vì pralaya có nghĩa sự tạm thời mất hết mọi hình thể, mà không có nghĩa là sự tiêu hủy vật chất trong vũ trụ là điều có tính vĩnh cửu) - chúng tôi nói cái chuyển động mãi mãi này là Thần thánh duy nhất vĩnh cửu không được tạo ra mà chúng ta có thể nhận biết được.
Coi Thượng Đế như là một thần linh thông minh, và cùng lúc chấp nhận rằng tính vô vật chất tuyệt đối của ngài, là nhìn nhận cái không thực thể, cái không trống rỗng. Còn xem Thượng Đế như là một đấng, có cái Tôi và che dấu óc thông minh của ngài vì nguyên cớ bí ẩn nào đó, là chuyện vô lý nhất hạng; và phú cho ngài trí thông minh trước bao chứng cớ về sự ác mù quáng tàn bạo là biến ngài thành quỉ dữ, vì Thượng Đế xấu xa nhất.
Một Being - thực thể dù vĩ đại thế mấy, chiếm không gian và có chiều dài, rộng, dầy thì chắc chắn phải là thần linh kiểu ông Moses tả; còn ‘No-being, không - thực thể’ và chỉ là một nguyên lý đưa bạn ngay vào thuyết vô thần kiểu Phật giáo … Điều chi nằm bên ngoài hay vượt ra khỏi thế giới của sắc tướng, và thực thể trong các thế giới và từng trời ở trạng thái tinh thần nhiều nhất của nó - và có lẽ bạn sẵn lòng cho chúng tôi biết nơi vượt ra khỏi đó là chi, vì vũ trụ vô tận và vô hạn - thì vô ích cho ai muốn tìm kiếm, bởi ngay cả các vì Hành tinh Thiên Đế Planetary Spirits cũng không có hiểu biết hay nhận thức gì về nó.
Nếu các đạo sư cao tột nhất và các Bồ Tát của chúng tôi chưa hề ra ngoài thái dương hệ của chúng ta … các ngài vẫn biết là có sự hiện hữu của những thái dương hệ như vậy, biết chắc về mặt toán học như bất cứ thiên văn gia tây phương nào biết về sự hiện hữu của những vì sao không thể thấy, mà họ không hề tới được hay tìm hiểu nó. Nhưng điều chi nằm trong các thế giới và hệ thống … trong trạng thái thanh khiết nhất và vô vật chất không thể nghĩ bàn, thì chớ hề có ai đã biết hay rồi sẽ biết, vì thế nó là điều chi không hiện hữu cho vũ trụ….
… Chúng tôi khẳng định rằng nơi đâu có sự sống và thực thể, và dù trong hình thể tinh thần thế mấy, không có chỗ cho một chính phủ đạo đức, càng không có chỗ cho một Thống soái (Governor) đạo đức - một thực thể mà cùng lúc không có hình dạng hay không chiếm chỗ trong không gian !... Bạn nói về một đấng Cha lành và thông minh, một hướng dẫn về đạo đức và là Thống soái cho vũ trụ và con người … nhưng với bạn được phú cho óc lý luận tinh tể, có sự hiểu biết rõ ràng về giá trị của ý tưởng nói chung và chữ nghĩa nói riêng - người nói chung chính xác như bạn lại ca tụng một tràng về ‘Thượng Đế tuyệt khôn ngoan, toàn năng và đầy tình thương’ thì nói nhẹ ra, là điều kỳ lạ hết sức. Tôi không phản đối chút nào như bạn nghĩ về chủ trương duy thần của bạn, hay niềm tin vào một lý tưởng trừu tượng loại chi đó, nhưng tôi không thể không hỏi bạn, làm sao bạn biết hay có thể biết rằng Thượng Đế của bạn tuyệt khôn ngoan, toàn năng và đầy tình thương, khi mọi việc trong thiên nhiên, vật chất và đạo đức, chứng tỏ rằng một đấng như vậy, nếu ngài có hiện hữu, lại hoàn toàn đối nghịch với tất cả những gì bạn nói về ngài ? Làm như một sự lú lẫn kỳ lạ đã chế ngự trí thông minh của bạn.
Cái khó khăn trong việc giải thích sự kiện ‘các lực không thông minh có thể làm sinh ra những thực thể thông minh như chúng ta’ được giải bầy qua diễn tiến vĩnh viễn của những chu kỳ, và diễn biến của cuộc tiến hóa hằng làm toàn hảo việc làm của nó khi chuyện diễn ra. Do không tin vào việc có những chu kỳ, bạn không cần thiết phải học về chúng, điều sẽ chỉ tạo nên cớ mới cho bạn để chống đối và tranh luận ad infinitum bất tận về nó. Cũng như tôi không hề có lỗi là nói sai, như bị cáo buộc, khi bàn về tinh thần và vật chất.
Đầu óc tôi chắc chắn không hề có ý niệm rằng tinh thần và vật chất hoàn toàn phân biệt với nhau, và cả hai trường cửu, cho dù tôi có hiểu biết ít ỏi ra sao về chúng, vì một trong các triết lý căn bản và sơ đẳng của huyền bí học dạy rằng hai điều là một, chúng chỉ phân biệt trong sự thể hiện của mỗi vật, và chỉ là vậy trong nhận thức giới hạn của thế giới ngũ quan. Khác xa với ý ‘thiếu chiều sâu triết học’, các triết lý của chúng tôi cho thấy chỉ có một nguyên lý trong thiên nhiên - là tinh thần-vật chất hay vật chất-tinh thần, điều thứ ba là cái Tuyệt đối tận cùng hay tinh túy của hai điều trên, vượt ra ngoài tầm nhìn và nhận thức tinh thần của ngay cả các ‘thần thánh’ hay những đấng cao cả. Nguyên lý thứ ba này, theo các triết gia phái Veda, mới là thực tại duy nhất còn mọi điều khác chỉ là Maya ảo ảnh, vì không một biểu lộ luôn thay đổi nào của tinh thần - vật chất hay Purusha và Prakriti, có hề được nhìn nhận theo cách nào khác hơn ý nó chỉ là huyễn hoặc tạm thời của ngũ quan. Ngay cả trong triết lý chỉ vạch ra các nét sơ khởi trong Isis, ý này được trưng thật rõ ràng.
Trong kinh Kiu-te (mà bộ The Secret Doctrine  được viết ra dựa theo đó) Tinh thần được gọi là sự thăng hoa tột đỉnh của vật chất, và vật chất là sự kết cứng của tinh thần. Và không một mô tả nào về ý này rõ hơn hiện tượng băng đá, nước, hơi nước và sự tan loãng chót hết của cái sau, hiện tượng được đảo ngược lại trong sự biểu lộ liên tục của nó và gọi là việc Tinh thần đi xuống thành sinh sản hay vật chất. Bộ ba này hòa nhập lại thành nhất thể, một triết lý xưa như thế giới tư tưởng mà người Thiên Chúa giáo ban đầu nói tới nó trong các trường phái ở Alexandria, và làm thành Cha hay tinh thần sáng tạo; Con hay vật chất; và Thánh Thần hay phần tinh túy phi vật chất hay đỉnh của tam giác đều, cái ý tưởng mà ngày nay thấy qua kim tự tháp của Ai Cập.
… Tôi phải nói ý của bạn rằng vật chất chỉ một dạng khác biệt tạm thời của tinh thần, khác với nó như than khác với kim cương, thì không có tính triết học lẫn không khoa học theo cả hai quan điểm đông và tây; than chỉ là một dạng tồn đọng của vật chất, còn vật chất chính nó thì bất khả hủy diệt, và như tôi khẳng định, ngang hàng với tinh thần, cái tinh thần mà ta biết và có thể có ý niệm. Không có Prakriti (Vật chất), Purusha (Tinh thần) không thể nào tự biểu lộ và thành ra ngừng hiện hữu  - thành không có gì (nihil). Nếu không có tinh thần hay Lực, ngay cả điều mà khoa học gọi là vật chất ‘không sống’, tức khoáng chất nuôi dưỡng cây cỏ, không thể nào tụ lại thành hình thể.
Có một lúc trong sự hiện hữu của mỗi phân tử và nguyên tử của vật chất khi, vì lý do này hay kia, chớp sáng chót của tinh thần hay chuyển động hay sự sống (gọi bằng tên gì cũng được) rút về, và trong cùng khoảnh khắc ấy với sự mau lẹ còn hơn tư tưởng phát ra chớp nhoáng, hạt nguyên tử và phân tử hay khối phân tử bị hủy tan trở về dạng vật chất tinh khôi thanh khiết của vũ trụ. Nó được thu hút về nguồn cội mẹ với vận tốc của hạt thủy ngân nhập vào khối ở tâm. Vật chất, lực, và sự chuyển động là tam thể có tính vật chất khách quan, còn sự hợp nhất của tinh thần - vật chất có tính tinh thần chủ quan. Chuyển động có tính vĩnh cửu vì tinh thần thì vĩnh cửu. Nhưng không một cách chuyển động nào có thể có được trừ phi nó liên kết với vật chất.
Và nay nói về giả thuyết lạ lùng của bạn là điều Ác và tùy tùng của nó là tội lỗi và đau khổ thì không phải là kết quả của vật chất, mà biết đâu có thể là kế hoạch khôn ngoan của một vị Thống soái đạo đức của vũ trụ. Ý đó có thể quan niệm được đối với bạn, được luyện trong sự sai lầm kỳ quặc của cách nói theo Thiên Chúa giáo, rằng ‘đường lối của Chúa Trời không sao lường được’, nhưng nó hoàn toàn không sao hiểu được đối với tôi. Tôi phải nhắc lại chăng, là các bậc đại sư giỏi dang nhất đã tìm khắp vũ trụ cả ngàn năm, và không thấy ở đâu có dấu vết mờ nhạt nhất về một kẻ đầy mưu mô lập kế hoạch như thế, mà chỉ thấy khắp nơi một luật bất biến, liên tục.
Bởi vậy bạn phải thứ lỗi nếu tôi mạnh mẽ từ chối không chịu mất thì giờ suy luận chuyện trẻ con như thế. Nó không phải là ‘đường lối của Chúa Trời’ mà đúng hơn là của những kẻ hết sức thông minh mọi mặt … những đường lối ấy là điều không thể nào hiểu được đối với tôi. Như bạn nói ‘điều này không gây ra khác biệt chi giữa chúng ta’ - nói về mặt cá nhân. Nhưng nó cho ra một trời khác biệt nếu bạn đề nghị muốn học và xin tôi chỉ dạy. Vì ráng thế mấy tôi vẫn không nghĩ ra được cách có thể truyền cho bạn điều tôi biết, vì phần sơ đẳng A, B, C của những gì tôi biết, viên đá tảng mà trên đó những bí ẩn của vũ trụ huyền bí, dù bên này hay bên kia bức màn, được gắn chặt, bị bạn phản bác hoàn toàn và do suy luận a priori. 
Bạn thân mến, hoặc chúng tôi biết đôi điều hoặc chúng tôi không biết chi hết. Trong trường hợp đầu bạn xin học thì có lợi gì, khi bạn nghĩ là mình biết hay hơn ? Với trường hợp sau bạn mất giờ chi vậy ? Bạn nói nó chẳng hề chi với các luật này hoặc là sự biểu lộ của ý chí của một Thượng Đế thông minh hữu thức như bạn nghĩ, hay là tính chất không tránh được của một ‘Thần linh’ không thông minh, vô thức, như tôi chủ trương. Tôi nói, nó có hề chi với hết mọi chuyện, và bởi bạn hăng hái tin rằng những thắc mắc căn bản này (về tinh thần - vật chất, về có hay không có Thượng Đế) ‘đúng là vượt ngoài cả hai chúng ta’ - nói khác đi chẳng những tôi mà luôn cả các bậc đạo sư cao cả nhất của chúng tôi không biết gì hơn bạn biết, vậy có gì trên trần mà tôi có thể chỉ dạy bạn ?
(còn tiếp)